Cam kết: điểm then chốt để thành công

Cho dù bạn định nghĩa thành công như thế nào thì để đạt được nó bạn cũng cần sử dụng năng lượng – năng lượng vật lý, chắc chắn rồi – và cả năng lượng cảm xúc nữa, yếu tố này ít khi được đề cập nhưng chính nó là lý do khiến rất nhiều người trong số chúng ta từ bỏ những nỗ lực ý nghĩa nhất.

Như lược đồ phía dưới cho thấy, cam kết về cảm xúc tăng lên khi ta theo đuổi bất cứ hoạt động gì. Nó bắt đầu khá dễ dàng, rồi khó dần rồi đạt đến cực độ ở một điểm gọi là “Điểm then chốt.”

Khoảnh khắc quyết định đó thường xảy ra dưới dạng một khủng hoảng nào đó, là khi ta phải đưa ra quyết định mình sẽ đi tiếp hay quay lại. Đấy là khoảnh khắc mà bạn vẫn nghe những người thành công nhắc đến khi mọi thứ đều sụp đổ và họ phải đưa ra quyết định – chính là một lựa chọn mà sau này nhìn lại, họ nhận ra đó chính là bước ngoặt của đời mình.

Chúng ta đối mặt với điểm then chốt đó hằng trăm, thậm chí hàng nghìn lần trong đời. Có người vượt qua điểm nút đó, có người lại chẳng thể vượt qua.

Năng lượng cảm xúc dùng để đưa ra quyết định lại thường lớn hơn năng lượng vật lý cần để thực hiện quyết định đó.

Tất cả mọi người – dù thành công hay không – đều trải qua những điểm nút then chốt này, và quan trọng hơn, chúng ta đều muốn vượt qua những xáo trộn và bất an trong cảm xúc để trở lại trạng thái bình thường và ổn định càng nhanh càng tốt. Tuy nhiên, mọi sự khác biệt đều phụ thuộc vào cách suy nghĩ của ta trong những giây phút quyết định ấy.

Một điều thú vị là năng lượng cảm xúc dùng để đưa ra quyết định lại thường lớn hơn năng lượng vật lý cần để thực hiện quyết định đó. Nói cách khác, một khi đã đến phòng tập thì việc tập thể dục không có gì khó; khó là lúc ngồi trên ghế và tự tranh đấu xem có nên đi hay không, do đó quá trình đấu tranh tâm lý là quan trọng hơn. Cả những người thành công và những người bình thường đều phải vật lộn với những lựa chọn cũng như những điểm nút khó khăn. Có thể phương pháp lựa chọn chỉ khác nhau một chút, nhưng kết quả về lâu dài lại khác nhau một trời một vực. Xét cho cùng thì không có gì hơn ngoài thay đổi một độ trong quan điểm sống.

 

Cam kết vô điều kiện

Tất cả những người đã trưởng thành – hoặc đang trưởng thành – đều biết là cảm xúc, ham muốn và hoàn cảnh luôn thay đổi. Không có gì giữ mãi như cũ. Nếu quyết tâm của ta phụ thuộc vào những tiêu chí mong manh như vậy, ta sẽ có một cuộc đời đầy thăng trầm, lộn xộn, và tóm lại, giống y như một người lúc nào cũng hỏi “Có nên không?”.

Ví dụ, khi cưới chúng ta nói: “Anh/em hứa sẽ sống với em/anh trọn đời cho đến khi cái chết chia lìa”, nhưng trong nhiều trường hợp, thật ra ta nói là “Anh/em hứa cho đến khi …”

 

– Em phát phì

– Anh kiếm được ít tiền hơn

– Em phản bội anh

– Các con lớn lên

– Một trong hai chúng ta yêu người khác

Hoặc “Anh/em hứa miễn là…”

– Chúng ta sống sung túc

– Chuyện chăn gối viên mãn

– Cả hai hạnh phúc

– Mọi mặt đều thuận tiện

Tôi sẽ không giả vờ biết điều nào trong những số gạch đầu dòng trên là chấp nhận được và điều nào là không. Tôi chỉ muốn nói là hầu hết chúng ta đều có “điều kiện” khi cam kết. Thường những điều này không được nói ra hay viết ra, nhưng chúng luôn tồn tại. Bằng chứng nằm trong những cớ ta viện ra khi phá vỡ cam kết. Những cớ ta đưa ra chính là những điều kiện “bất thành văn” vẫn luôn ngầm có mặt.

Tin tốt là cam kết của bạn có thể tồn tại độc lập với những yếu tố luôn biến đổi kia. Nhớ rằng một sự cam kết chỉ đơn giản là tự hỏi mình câu “Làm thế nào?” thay vì “Có nên không?” Giây phút một người chồng hoặc vợ hỏi câu “Mình nên ở lại hay bỏ đi?” là lúc cuộc hôn nhân đó đã lâm vào tình cảnh khó khăn rồi.

Bạn cho phép những điều kiện nào làm yếu đi cam kết đáng lẽ phải vững như kiềng ba chân của mình?

 

Cam kết có điều kiện

Tôi không nói là mọi cam kết đều phải vô điều kiện. Cam kết có điều kiện chẳng có gì sai miễn là những người liên quan hiểu biết thấu đáo về các giới hạn. Cam kết có điều kiện giúp ta linh động hơn trong cuộc sống và tham gia vào nhiều hoạt động khác nhau.

Ta vẫn có thể cực kỳ gắn bó ngay cả khi cam kết của ta có một vài điều kiện. Hiểu rõ giới hạn của chính mình cũng là sức mạnh. Nền tảng của một cuộc sống kỷ cương là sống hết mình và làm những gì ta nói mình sẽ làm. Nếu ta nêu rõ điều kiện từ trứơc, khi đó ta biết điều kiện của mình là chính đáng và mọi người đều có thể dựa vào đó mà lập kế hoạch cho họ.

Rory Vanden – trích trong Thành công không chớp nhoáng/ conduongthanhcong.com