Bí quyết dạy bất cứ ai về bất cứ điều gì

Một khi người học tự điều chỉnh hoạt động của mình, xem những kiến thức học được từ bạn  là “bí quyết” của riêng mình, thì bạn đã thành công vừa trong vai trò người giảng dạy, vừa là một nhà quản lý hiệu quả.

Hầu hết mọi người thường xuyên nghe cụm từ :”tôi không thể làm nghề dạy học”. Nhưng trớ trêu thay,  “dạy” là kỹ năng rất cần thiết của một nhà quản trị, những nhà quản lý thiếu kỹ năng này thường gặp rất nhiều khó khăn trong công tác điều hành. Vì họ không biết thế nào để dạy những kỹ năng hay kiến thức của mình cho nhân viên và đồng nghiệp. Kết quả là họ luôn mệt mõi vì tự làm hết mọi việc và công ty hoạt động thiếu hiệu quả.

Điều đó cũng không có nghĩa là họ không thể dạy cho người khác mà chủ yếu là họ chưa bao giờ làm thế và cũng chưa có một quy trình cơ bản để làm theo. Giáo sư Carolyn Roark của trường Đại học Baylor University , USA và cũng là cố vấn cho chương trình chiến lược đào tạo và giảng dạy của tạp chí Inc  đã đưa ra 5 bước đơn giản nhưng hiệu quả cho các nhà quản lý để nâng cao kỹ năng đào tạo của mình trong công việc.

1. Chương trình rõ ràng là điều quan trọng nhất

Rất nhiều người thất bại trong việc đào tạo và giảng dạy vì không có một kế hoạch rõ ràng trước khi bắt đầu. Muốn đào tạo thành công, cần phải có nội dung rõ ràng, đúng mục tiêu và chia ra từng giai đoạn cụ thể. Hãy bắt đầu bằng cách phát thảo một quá trình hay quy trình mà bạn muốn chia sẻ. Sử dụng phương pháp gạch đầu dòng với ngôn ngữ thật đơn giản. Cần suy nghĩ về lượng thời gian cần phải bỏ ra để người học có thể hiểu được từng phần của quá trình. Suy nghĩ về những trở ngại cũng như cách thức vượt qua trong mỗi “gạch đầu dòng” để có thể làm chủ toàn nội dung. Thảo luận đề cương đào tạo với người học để đo lường kỳ vọng của họ và có những bước điều chỉnh nếu cần thiết.

2. Tài liệu có ý nghĩa là những tài sản quý

Đào tạo mà không có tài liệu thật là tệ, nhưng càng tệ hơn nếu bạn phải đối phó với vấn đề tài liệu không hoàn chỉnh hay vô nghĩa với chương trình. Bạn sẽ trở nên tuyệt vời nếu chuẩn bị chi tiết tài liệu đào tạo, video hay những hình ảnh minh hoạ chính xác từng quá trình của chương trình. Hãy dành thơi gian và nỗ lực để chuẩn bị các chi tiết nàmột cách logic và sinh động với các ví dụ minh hoạ, nội dung đào tạo của bạn càng trở nên rõ ràng và sinh động. Điều này giúp bạn tiết kiệm rất nhiều thời gian vì người học chủ động tiếp cận nội dung thay vì ngồi chờ nghe những thông tin phát ra từ miệng của bạn.  Tài liệu càng chuẩn bị đầy đủ thì nó trở thành tài sản quý cho những hoạt động huấn luyện của bạn trong tương lai.

3. Chuyển tải mục đích, truyền đạt đam mê.

Toàn bộ ý tưởng đằng sau chương trình giảng dạy này là thu hút và kích thích học viên để họ tự nguyện tìm hiểu và khám phá vấn đề theo đúng mục đích. Để làm được điều này bạn cần phải thể hiện sự nhiệt tình và đam mê của chính mình về chủ đề này. Nếu bạn không quan tâm đến nó thì vì sao họ phải quan tâm? Chứng minh sự đam mê của bạn bằng chính năng lượng và sự tập trung của chính bạn, bạn sẽ thất bại nếu chỉ quăng ra một đống thông tin và yêu cầu họ tìm hiểu. Hãy thiết kế chương trình và tài liệu một cách rõ ràng, đơn giản để người học có thể dễ dàng biết được họ sẽ có lợi ích gì sau quá trình học tập. Giúp họ tìm hiểu tài liệu và trích xuất ra những thông tin quan trọng nhất. Hãy làm cho quá trình học tập trở nên vui vẻ, hài hước bằng hình ảnh hay những câu chuyện kể, bạn sẽ kích thích người học tập trung tìm hiểu và khám phá những điều mới với lòng đam mê của chính họ.

4. Hãy để người học tự lãnh đạo việc học.

Nếu một chương trình giảng dạy dài lê thê và mang đầy tính thống kê sẽ làm cho người học phân tâm và cuối cùng sẽ giữ lại rất ít thông tin. Hãy tìm ra một cách sáng tạo để quá trình học trở thành một chương trình tương tác với học viên và người học sẽ chủ động dẫn dắt quá trình này. Hãy cung cấp cho họ đầy đủ tài liệu và các điển tích và khuyến khích họ đặt câu hỏi. Bằng cách này sẽ giúp người học trở nên thông minh hơn, phát hiện ra nhiều điều mới và cùng chia sẻ để tiến bộ. Điều này giúp họ nâng cao khả năng tư nhận thức trong quá trình học hỏi.

5. Cần có những “thất bại an toàn”

Nếu chỉ có tài liệu, giới thiệu và thảo luận thì quá trình học tập sẽ không kết thúc một cách có ý nghĩa. Bạn cần hướng dẫn người học nắm rõ từng nội dung thông qua quá trình liên hệ với thực tế để tự điều chỉnh hoạt động. Hãy tạo ra những cơ hội để người học có thể áp dụng những điều vừa học vào ứng dụng thực tế. Trong quá trình ứng dụng thực tế, phải đảm bảo cho người học trải nghiệm những “thất bại an toàn”, vì không có gì ý nghĩa hơn là học từ thất bại. Tuy nhiên bạn cần phải để tâm giúp đỡ người học vượt qua thất bại và khuyến khích họ rút ra những kinh nghiệm quý báu. Sau quá trình này hãy giúp học viên đặt ra những mục tiêu thực tế trong công việc, từng bước hướng dẫn hành động của họ đi theo mục đích chung của tổ chức.

Một khi người học tự điều chỉnh hoạt động của mình, xem những kiến thức học được từ bạn  là “bí quyết” của riêng mình, thì bạn đã thành công vừa trong vai trò người giảng dạy, vừa là một nhà quản lý hiệu quả.

Vân Anh (Theo Inc)