Sẵn sàng vui vẻ để luôn thường trực nói lời “cảm ơn” với xã hội – Nhưng lại cực kỳ tiết kiệm điều đó với người thân trong gia đình. Tại sao vậy ?

Bởi chúng ta luôn nghĩ rằng, sự giúp đỡ đến từ những người thân trong gia đình là một lẽ tất nhiên, không đến từ người này thì sẽ tới từ người khác. Còn đối với những người ngoài xã hội, trong cái lớp vỏ xa lạ không thân thích ấy mà nhận được một sự giúp đỡ, thì dù chỉ là một câu nói xã giao thôi cũng đủ khiến ta thầm cảm ơn họ đến nhiều lần rồi.

Có một cái tôi khác hoàn toàn khi bạn bước chân ra ngoài xã hội: Không giận dữ, không cáu gắt, luôn điềm đạm với những cử chỉ nhẹ nhàng, và đặc biệt là rất chịu khó nói “cảm ơn” qua những điều nhỏ nhặt nhất

Thu 25 tuổi, tốt nghiệp khoa Du lịch và hiện đang làm hướng dẫn viên cho một công ty lữ hành.

Thời còn sinh viên, mọi người thường nhận xét Thu là một cô nàng tốt bụng, có cá tính, biết quan tâm và giúp đỡ người khác. Nhưng nhược điểm lớn nhất của Thu đó chính là sự nóng tính không thể kiềm chế, đôi lúc để cả sự nóng nảy đó chi phối cả bản thân làm ảnh hưởng đến cả những người xung quanh. Nghề hướng dẫn viên thì luôn cần một cá tính nhẹ nhàng, biết xử lý khôn khéo trong nhiều hoàn cảnh bởi trong tương lai sẽ phải gặp rất nhiều người khác nhau. Thầy cô trong khoa cũng đã từng nói “Nếu không thay đổi thì sẽ rất khó để tiến được xa trong ngành nghề này”

Nhưng đó chỉ là cá tính của một cô gái khi ngồi trên ghế nhà trường, còn sau khi đã trưởng thành và bước chân vào công việc chính của mình, Thu bỗng dưng trở thành một phiên bản hoàn toàn khác: Không giận dữ, không cáu gắt, luôn luôn giữ đúng chuẩn mực của một người hướng dẫn viên dẫu cho trong nhiều hoàn cảnh có thể khiến bản thân mình bỗng muốn “hóa dại”, và đặc biệt luôn luôn nở nụ cười để nói “cảm ơn” tới tất cả mọi người cho dù đó chỉ là những cử chỉ nhỏ nhặt nhất.

Tôi không biết căn cơ nào có thể khiến Thu có được sự thay đổi đó, cũng không thể biết được cái tính cách nóng nảy từ thời xưa đang được cất giấu ở nơi đâu . Nhưng có một điều mà tôi dám chắc rằng, đang có một cái tôi khác hoàn toàn khi bước chân ra ngoài xã hội.

Còn ngược lại khi trở về đến nhà, bạn mang hết tất cả những dồn nén bực bội trong công việc, qua các mối quan hệ mà vô cớ trút giận lên người thân. Nói lời cảm ơn qua những lần giúp đỡ ư? Một việc nhỏ nhưng khá “nặng nhọc” đấy.

Dám cá với bạn, ít nhất đã từng trên dưới vài lần chúng ta để cảm xúc của công việc và các mối quan hệ bên ngoài chi phối. Chúng ta không thể dễ dàng làm tan biến chúng một cách nhanh chóng trong ngày, cũng không thể chôn dấu mãi chúng ở trong thâm tâm. Cách duy nhất để giải quyết vấn đề đó, là mang hết tất cả những dồn nén bực bội ở bên ngoài vô cớ trút giận lên người thân trong gia đình.

Những món ăn mẹ nấu mà thiên hạ hay đồn là “ngon nhất” bỗng hóa thành “dở tệ” nếu như hôm đó bạn bị sếp mắng. Đi làm xa về mệt,  Bố quan tâm hỏi han tình hình sức khỏe ra sao thì bạn gắt nhặng lên “ Con lớn rồi tự biết lo cho mình, bố nói nhiều quá đấy”.  Hay những câu nhắc nhở chỉ mong bạn ăn ngủ đúng giờ để không làm ảnh hưởng đến bản thân thì bạn bơ đi bỏ ngoài tai, coi đó là những điều nhạt nhẽo vô bổ mà chẳng đếm hoài.

Nhiều khi “trái gió, trở trời”, cơn ho quặn của bạn bộc phát đến thắt ruột. Không ai khác chính bố mẹ là người chạy ngược xuôi để lo thuốc thang cho bạn, thậm chí ngay cả khi đi làm rồi, trong lòng vẫn không yên tâm mà bỏ về giữa chừng xem xem bạn đang ra sao? Ấy thế mà sau khi khỏe lại, bạn không lỡ cất được một câu “cảm ơn” gửi đến cha mẹ, đến người thân.  Nhưng khi bạn up ảnh lên các trang mạng xã hội than ốm đau, nếu có ai đó vào bình luận xã giao “ Anh đỡ chưa? Mày đỡ chưa? Em đỡ chưa?…” thì bạn lại không ngần ngại mà thầm cảm ơn họ, nghĩ rằng họ đang quan tâm thực sự đến mình.

Chẳng lẽ, một tiếng cảm ơn với người ngoài dễ dàng đến thế. Vậy mà khi đứng trước gia đình và người thân, để cất lên được lời đó nó “nặng nhọc” vậy sao?

Phải biết điều chỉnh lại “cán cân cảm xúc” đó trong bạn, hãy biết phân biệt rạch ròi giữa công việc và cuộc sống gia đình. Bởi trên tất cả gia đình luôn là thứ đáng quý nhất

Đã bao nhiêu lần bạn mang đến cho gia đình những sự bộn bề, lo toan của cuộc sống?

Đã bao nhiêu lần bạn đứng lên vô cớ, khó chịu với chính những người thân trong gia đình?

Trưởng thành thực sự là phải biết điều chỉnh cảm xúc, hãy rạch ròi một cách rõ ràng nhất giữa công việc và cuộc sống gia đình. Đừng bao giờ mang những bực tức ở ngoài về làm ảnh hưởng đến bầu không khí gia đình và ngược lại. Học cách cho đi thì bạn sẽ nhận được nhiều hơn những bài học bổ ích, nếu lời nói cảm ơn ở ngoài xã hội kia là để thể hiện sự khiêm nhường, trân trọng. Thì lời “cảm ơn” dành cho gia đình ấy nó thể hiện sự yêu thương, lòng kính trọng và biết ơn vô bờ với những người đã mãi và luôn ở bên chúng ta.

Vậy nên, đừng quá tích kiệm lời “cảm ơn” đó, đặc biệt là với những người thân trong gia đình nhé!

Và nếu bạn vẫn chưa học được cách tiết chế riêng cho bản thân mình, vẫn chưa biết phải rèn luyện chúng bắt đầu từ đâu thì tôi có một bí mật nhỏ dành riêng cho bạn. Tìm hiểu tại đây nhé!

Mr. Why Phạm Ngọc Anh