Lựa chọn cách sống hạnh phúc cho mình

Điều đầu tiên bạn cần làm là phải lựa chọn cách sống hạnh phúc cho mình. Nghe thì có vẻ không giống lắm, nhưng rõ ràng, đó là sự lựa chọn. Nó cũng như đau khổ vậy. Cả hai vấn đề đó, bạn đều có thể lựa chọn.

Điều đó có vẻ như ổn thỏa nếu nhìn từ góc nhìn tinh thần, nhưng bạn sẽ hành động trên thực tế như thế nào? Đây là cách tôi đã làm. Khi bạn vận dụng những kỹ năng này, bạn sẽ nhận ra mình có thể tác động và lựa chọn hạnh phúc của bản thân nhiều đến thế nào.

Cũng giống như việc thắt dây giày, việc lựa chọn hạnh phúc là một ứng xử đầy ý thức. Bạn sẽ chọn trong mỗi ngày những gì mình cần tập trung và cách bạn nắm bắt thực tiễn của riêng mình.

Chọn tập trung vào những điều bạn muốn

Những gì bạn hay nghĩ về và những gì bạn thường thấy ở xung quanh sẽ thể hiện thành con người bạn. Nếu bạn quan sát thế giới cũng như bản thân qua lăng kính mờ tiêu cực, bạn sẽ thấy bao bất hạnh. Còn nếu bạn hướng ra bên ngoài và hướng vào bên trong bằng lăng kính trong sáng lạc quan, bạn sẽ thấy hạnh phúc và trân trọng thật nhiều.

Thế nên, hạnh phúc hay khổ đau không hoàn toàn là kết quả tác động từ những tình huống khách quan. Phần nhiều hơn, nó là biểu hiện của việc bạn nhìn nhận về chúng, về bản thân và thế giới xung quanh.

Tất nhiên, để nghĩ về mọi việc bằng quan điểm tích cực thì nói dễ hơn làm. Nhưng bạn có thể thay đổi một thái độ tiêu cực bằng một thái độ tích cực hơn. Dĩ nhiên, việc chuyển đổi đó không nhanh như bật tắt công tắc đèn, nhưng dần dần, bạn sẽ có thể dành nhiều thời gian hơn cho những quan điểm tích cực trong cuộc sống.

Trân trọng những gì bạn có

Một trong những cách thức đơn giản nhất giúp bạn tập trung vào điều mình muốn là hãy trân trọng điều bạn có. Hãy yêu quý bạn bè, người thân trong gia đình, thức ăn, mái nhà, nước sạch, đôi giày đẹp và thậm chí một người phụ nữ/đàn ông dễ mến vừa gặp ngang đường.

Điều này nghe có vẻ hơi ngớ ngẩn. Nhưng hãy thử làm vậy trong hai phút thôi, bạn sẽ thấy tâm trí mình chuyển từ trạng thái khó chịu sang tích cực và cởi mở hơn. Hãy làm như vậy bất cứ khi nào bạn thấy chán nản, hoặc sự tập trung bị đặt nhầm chỗ. Việc ghi chép lại những điều bạn biết ơn hàng ngày cũng là một cách hay. Hãy dành cho nó vài phút mỗi ngày hoặc mỗi tuần, sau đó, xem lại những điều bạn đã ghi chép khi cần. Cách làm này đơn giản nhưng lại rất hiệu quả.

Viết ra những mục tiêu lớn

Bằng cách đặt ra những mục tiêu, viết ra và dán lên tường, nơi bạn có thể nhìn thấy mỗi ngày, bạn sẽ khiến mình  tập trung kiên định hơn với những điều mình muốn thay cho những điều không hướng tới trong đời. Tôi đề xuất bạn nên đặt mục tiêu của bạn theo kiểu như:

“Tôi kiếm được 7000 đô la mỗi tháng”.

Tất nhiên, mục tiêu có thể không liên quan gì đến tiền bạc, nhưng tốt nhất, bạn nên viết nó ra như thể bạn đã thực hiện được và như một cách nhắc nhở để tiềm thức bắt tay ngay vào làm việc nhằm đạt được mục tiêu đó. Nếu bạn viết “tôi sẽ kiếm được…”, thì nó sẽ hình thành trong óc bạn ý nghĩ, bạn sẽ đạt được mục tiêu đó trong tương lai và bất kể việc sẽ phải làm trong bao nhiêu ngày nữa.

Tốt hơn cả là hãy viết ra mục tiêu của bạn càng cụ thể càng tốt. Nếu bạn chỉ viết sẽ tập thể dục mỗi tuần mà không phải là 3 lần một tuần, thì tự bạn sẽ cho phép bản thân những khoảng trống để trì hoãn và tìm ra hàng loạt lý do cho sự trì hoãn đó.

Tôi cũng đề nghị bạn nên đặt ra những mục tiêu lớn, chứ không phải chỉ là những mục tiêu hợp lý. Tôi đã từng mắc sai lầm trong năm ngoái khi đặt mục tiêu quá thấp cho số tiền muốn kiếm được mỗi tháng. Mục tiêu đó hợp lý, nhưng nó không khuyến khích tôi được bao nhiêu. Cho tới mùa hè năm đó, tôi phát hiện ra sai lầm và tăng gấp ba số tiền muốn kiếm được lên. Theo đó, tôi cảm thấy không thoải mái lắm nhưng lại hưng phấn hơn. Đầu óc tôi bắt đầu loay hoay với những giải pháp để có thể đạt được mục tiêu này. Năm 2009, tôi đã không đạt được mục tiêu đề ra, nhưng rõ ràng, phần lợi nhuận đã tăng thêm một chút trong sáu tháng cuối năm đó.

Tự đặt câu hỏi cho bản thân

Đây là cách rất đắc dụng để bạn tập trung trở lại nếu trót lơ đễnh, hoặc sẽ khiến bạn rành mạch hơn trong việc lựa chọn tập trung thời gian và năng lượng của mình vào đâu. Đây là hai câu hỏi tuyệt vời gợi ý cho bạn:

Điều này có ích gì không?

Đây là cách rất tốt để bạn loại bỏ những thói quen suy nghĩ bất lợi. Đôi khi, tâm trí luôn kéo bạn vào những điều ngớ ngẩn kiểu như tin rằng, bạn nhất thiết phải cáu giận với ai đó chỉ vì bạn mới là người đúng. Hoặc nữa, bạn cứ đào xới mãi về một thất bại nào đó chỉ vì cho rằng bạn không may mắn hoặc bị trù dập.

Những kiểu suy nghĩ như thế thường có sức lôi kéo vì chúng khiến bạn tin tưởng mình đang làm một điều bình thường và đúng đắn. Nhưng những suy nghĩ như thế có lợi gì cho bạn chứ? Có lẽ chẳng gì cả. Chúng chỉ khiến cuộc sống của bạn thêm nặng nề, làm lãng phí thời gian và chẳng giải quyết được là bao tình huống trong thực tiễn. Bằng cách hỏi “điều này có ích gì không” bạn sẽ không bị đắm sâu thêm vào cách nghĩ tiêu cực để hướng về ánh sáng lạc quan trở lại.

Ta học được gì từ chuyện này?

Đây là cách hay để bạn rút ra được bài học kinh nghiệm trong một tình huống có thể coi là tiêu cực. Cũng có khi, đó chỉ là sự hình dung lại về sự việc và có thêm chút lạc quan, đồng cảm với chính mình để giải quyết sự việc một cách thực tế thay cho việc cứ day dứt, trách cứ mãi bản thân về chuyện đã xảy ra.

Việc tự hỏi câu này thoạt tiên có vẻ như ngu ngốc và khờ khạo. Bởi lẽ, bạn có thể không nhận thấy điểm tích cực hay hữu ích nào trong tình huống đã diễn ra, nhưng sau khi đã quen với việc đặt câu hỏi như thế, có thể bạn sẽ thấy chí ít một khía cạnh lạc quan trong những sự việc tồi tệ đã xảy ra.

Và khi tìm thấy nhiều điều tốt đẹp, tích cực và ấn tượng trong những trải nghiệm của bản thân, bạn sẽ thấy tâm trí mình bắt đầu chấp nhận thực tế, bạn luôn có khả năng tìm thấy một điều gì đó tốt đẹp trong bất cứ tình huống nào. Tâm trí bạn cũng sẽ dần quen với cách nghĩ mới mẻ và không mòn sáo về mọi điều trong cuộc sống.

Lựa chọn môi trường hạnh phúc

Môi trường xung quanh có ảnh hưởng rất lớn tới bạn. Đó là môi trường bạn phải tiếp xúc trong suốt thời gian không ngủ, do đó, bạn cần chủ động tạo ra một môi trường hỗ trợ cho niềm hạnh phúc cũng như những thói quen của bản thân.

Hãy bớt dằn vặt mình và loại bỏ càng nhiều càng tốt những ảnh hưởng tiêu cực và sự bận rộn để đầu óc bạn được được thảnh thơi, minh mẫn và có thể tập trung. Đây là 2 đề xuất giúp bạn thiết lập một môi trường có thể hỗ trợ cho cuộc sống hạnh phúc hơn:

*Cắt giảm số thời gian bạn ở bên những người bi quan, và dành nhiều thời gian hơn để tiếp cận những người lạc quan.

*Cắt giảm hoặc bỏ luôn sự ảnh hưởng tiêu cực của các phương tiện truyền thông tới đời sống của bạn. Đó có thể là các chương trình tin tức trên truyền hình, báo chí, một số loại tạp chí hay một vài thể loại âm nhạc, vài kiểu sách, blog hay website. Hãy dùng thời gian đó vào việc khác và tìm kiếm thêm năng lượng cũng như cảm hứng cho cuộc sống của mình từ một hay vài nguồn thông tin tích cực hơn như các bộ phim hay cuốn sách có tác dụng khơi gợi cảm hứng lành mạnh.

Đỗ Dương 

Nguồn: timtrongkhobau.vnweblogs