10 câu đừng bao giờ nên nói với sếp

Đừng bao giờ nói “Tôi có được trả lương để làm việc này đâu”, “Tôi sẽ bỏ việc” hay “Là lỗi của anh ta, không phải tôi” nếu bạn còn muốn thăng tiến.

1. Anh/chị sai rồi

Nếu cảm thấy cấp trên mắc lỗi, bạn vẫn có nhiều cách giải quyết việc này, như nói: “Tôi không biết thế này có đúng không, nhưng tôi hiểu là….”. Nó sẽ khiến họ cân nhắc lại và sửa chữa mà không dựng hàng rào bảo vệ với bạn. “Nhìn chung là nói câu gì cũng được, miễn là bạn có thái độ ôn hòa và hữu ích”, Randall cho biết. Chỉ trích công khai cấp trên chắc chắn sẽ khiến bạn bị ra rìa trong các cuộc họp, hoặc sẽ chẳng bao giờ được hỏi ý kiến, Rosalinda Oropeza Randall – chuyên gia về phép lịch sự cho biết.

2. Tôi có được trả tiền để làm việc này đâu

Có thể bạn chỉ đang đùa, hoặc ra tín hiệu mình cần tăng lương. Nhưng câu nói này thực sự thiếu chuyên nghiệp và không được đánh giá cao. Nó chỉ khiến sếp của bạn cảm thấy bạn không sẵn sàng tiến xa trong công việc.

3. Đấy có phải việc của tôi đâu

Ngày nay, các nhân viên đều được kỳ vọng làm việc linh hoạt. Càng có nhiều kỹ năng, họ càng khó bị thay thế.

Nói rằng không sẵn sàng làm những việc ngoài phận sự chỉ cho thấy anh không muốn thành công trong công ty mà thôi, Ryan Kahn – nhà sáng lập hãng tư vấn nghề nghiệp The Hired Group cho biết.

4. Làm việc này thì tôi được lợi gì?

Thi thoảng, bạn còn phải làm những việc giúp đỡ đồng nghiệp hoặc phòng ban khác. Câu nói này sẽ khiến sếp không hài lòng vì tinh thần làm việc nhóm quá thấp.

5. Sao không giống những gì tôi nghe đồn nhỉ?

10-cau-dung-bao-gio-nen-noi-voi-sep-1

Lời khuyên chân thành là né tuyệt đối những kiểu bàn tán đồn đoán trong công sở. Và nếu không chắc chắn về điều gì đó, cứ đợi đi. Nếu không, bạn sẽ bị coi là kẻ thiếu chuyên nghiệp đấy.

6. Tôi không biết

Có thể bạn không có câu trả lời cho mọi câu hỏi. Nhưng dự đoán có căn cứ và cam kết tìm ra đáp án sẽ tốt hơn nhiều so với việc nhún vai bỏ qua.

7. Tôi sẽ bỏ việc

Đừng dọa rời công ty, Kahn cho biết. Đó là việc làm thiếu chuyên nghiệp, và sẽ chỉ khiến sếp muốn tống cổ bạn đi càng nhanh càng tốt.

8. Đó có phải lỗi của tôi đâu, là của anh ta

Đổ lỗi là một cuộc chơi nguy hiểm. Nếu bạn thực sự vô tội, hãy giải thích tại sao. Đừng chỉ tìm cách đổ cho người khác. “Nhận trách nhiệm là chìa khóa. Nếu lúc nào anh cũng đổ cho người khác, sếp sẽ nghi ngờ chính anh đấy”, Kahn khuyên.

9. Người tiền nhiệm của anh/chị còn làm tốt hơn

Các lãnh đạo luôn cảm thấy phương pháp của mình tốt hơn người cũ. Đó chính là lý do họ ở đây. Vì thế, trừ phi cách làm đó rành rành là sai lầm, đừng thử thách giới hạn chịu đựng của sếp bạn.

10. Tôi bận quá, chờ tí được không?

Thay vì nói như vậy, bạn có thể hỏi thẳng liệu thứ tự ưu tiên công việc có thể thay đổi được không. Phần lớn các lãnh đạo sẽ thông cảm cho nhân viên nếu được hỏi một cách lịch sự và tôn trọng.

Theo BI