10 sai lầm tiền bạc mà ai cũng mắc phải

Dưới đây là những sai lầm tài chính mà nhiều người mắc phải. Bạn hãy xem mình đã mắc phải những lỗi nào nhé
Hai tuần trước, trong tháng xóa mù kiến thức tài chính, nhật báo USA Today đã đăng một bài viết với đại ý rằng thế hệ của tôi (tác giả bài viết-Brandon Ballenger) cần phải có điểm tựa về tiền bạc.
Các nghiên cứu trích dẫn đã cho thấy hầu hết giới trẻ là những “thiếu hiểu biết về tài chính” và điển hình là một  người đã 29 tuổi nhưng không hề có một đồng vốn nào dắt lưng, bài báo cho rằng, “Những người trẻ ở độ tuổi 20 hiện nay đang giữ một khoản nợ trung bình khoảng 45.000 đô-la, bao gồm tất cả mọi thứ từ xe hơi, các loại thẻ tín dụng, các khoản vay dành cho sinh viên, các khoản vay có thế chấp”.
Ở tuổi 26, tôi đã tích lũy được 14.878 đô-la từ các khoản vay dành cho sinh viên – một con số không quá tồi nếu so sánh với các sinh viên khác, nhưng không ổn ở khía cạnh tôi đã vay mượn để có được tấm bằng tốt nghiệp không cần thiết đối với mình. Đó là sai lầm lớn nhất của tôi cho đến nay, nhưng về mặt tiền bạc mà nói thì lớn tuổi hơn không có nghĩa là khôn ngoan hơn.
Kênh truyền hình CNN đã tổng kết  người tiêu dùng ở mức trung bình từ đầu năm đã nợ đến  210.236 đô-la. Thậm chí nếu không tính đến các khoản thế chấp, con số này vẫn còn hơn  36.000 đô-la.
Và theo một cuộc thăm dò tháng tư do Quỹ Quốc gia về Tư vấn tín dụng (NFCC) Mỹ tổ chức thì “Khi được yêu cầu mô tả tình trạng tài chính cá nhân của mình, 80% của hơn 1.400 người trả lời thừa nhận cần có một sự thay đổi lớn về tình trạng tài chính của bản thân.”
Dưới đây là những sai lầm tài chính mà nhiều người mắc phải. Bạn hãy xem mình đã mắc phải những lỗi nào nhé:
1. Chi tiêu nhiều, kiếm được ít
Cách làm sai: vay tín dụng với lãi suất 20%, trong khi đó chỉ thu được 1,25% lãi suất từ khoản gửi tiết kiệm.
Cách làm tốt hơn: Sau khi đảm bảo bạn có khoản tiền mặt đủ cho các trường hợp khẩn cấp, hãy sử dụng các khoản tiết kiệm có giá trị thấp để trả các khoản nợ có lãi suất cao. Trường hợp ngoại lệ: nếu có nguy cơ mất việc cao, bạn cần phải gom càng nhiều tiền mặt càng tốt.
2. Mua đồ mới thay vì mua đồ đã qua sử dụng còn tốt
Cách làm sai: chi ra từ  20.000 đến  30.000 đô-la cho một chiếc xe hơi mới.
Cách làm tốt hơn: tránh sự mất giá thê thảm bằng cách mua xe hơi đã qua sử dụng. Ngày nay công nghệ chế tạo xe hơi đã tốt hơn trước rất nhiều, nên mua xe hơi đã qua sử dụng sẽ không có nhiều rủi ro như trước.
3. Bỏ qua kế hoạch nghỉ hưu
Cách làm sai: Không tham gia đóng bảo hiểm xã hội hay các khoản đóng góp cho quỹ hưu trí của công ty. Điều này cho thấy bạn không những chẳng để dành tiền cho lúc về hưu mà còn bỏ lỡ cơ hội được giảm thuế và một thứ cực kỳ hiếm hoi trong thế giới tài chính: những đồng tiền nhàn rỗi.
Cách làm tốt hơn: Đưa tất cả số tiền còn thừa của bạn vào các quỹ lương hưu có mức thuế có lợi. Hãy tận dụng các khoản đóng góp phù hợp của người sử dụng lao động và các đợt giảm thuế.
4. Là người đầu tiên sở hữu các tiện ích mới nhất
Cách làm sai: Xếp hàng, lấy tiền thưởng hay tệ hơn là vay mượn để mua những món đồ công nghệ đỉnh nhất, mới nhất.
Cách làm tốt hơn: đi đầu trào lưu tiêu dùng là một trò tiêu khiển tốn kém. Chờ một vài tháng và bạn có thể sở hữu một phiên bản đã được khắc phục lỗi với giá thấp hơn.
5. Mua lẻ những món đồ bạn hiếm khi sử dụng
Cách làm sai: bỏ ra những khoản tiền lớn để mua một chiếc thang, máy xén cỏ, máy thổi tuyết hay các phần cứng đắt tiền khác mà bạn không thường xuyên sử dụng.
Cách làm tốt hơn: Mượn những đồ vật hiếm khi sử dụng từ bạn bè hoặc gia đình, thuê, hoặc cùng hàng xóm của mình lập ra một kho chung chứa các đồ vật để mọi người cùng sử dụng. Chia sẻ một món đồ với người hàng xóm là bạn có thể tiết kiệm đến 50%.
6. Trả thêm tiền để mua các món đồ có mức chiết khấu thấp 
Cách làm sai: Chi rất nhiều tiền để mua nhà, xe hơi, hoặc đôi khi bảo hiểm y tế bởi vì nó đang được chiết khấu (dù thấp).
Cách làm tốt hơn: Hãy chọn gói bảo hiểm có mức chiết khấu cao nằm trong khả năng chi trả của bạn. Nâng mức bảo hiểm xe hơi và bảo hiểm nhà từ 250 đến 1000 đô-la và như vậy bạn có thể cắt giảm phí bảo hiểm của bạn từ 15 đến 30%.
7. Mua sách
Cách làm sai: chi 29 đô-la để mua một cuốn sách bìa cứng đang sốt trên thị trường dù nó không hề hay như người bạn của bạn quảng cáo và rồi bạn thấy không thể đọc hết nổi cuốn sách vì nó quá nhàm chán. Ngay cả nếu quyển sách đó có thực sự hay, bạn sẽ thực sự đọc nó được bao nhiêu lần?
Cách làm tốt hơn: Đến thư viện mượn sách để đọc và bạn sẽ chỉ mất một số tiền rất ít. Và cũng chẳng mất công rời khỏi bàn làm việc bạn vẫn đọc được quyển sách mà mình muốn bởi các phiên bản điện tử của những quyển sách luôn có sẵn trên mạng để bạn download về máy tính miễn phí.
8. Chi tiền mua nước đóng chai 
Cách làm sai: Chi 1,5 đô-la để mua một chai nước đóng sẵn, loại nước tự nhiên luôn có sẵn và nhiều vô hạn.
Cách làm tốt hơn: Mua một bình đựng  nước cách nhiệt và tự mình đổ đầy nước vào đó. Nếu bạn không tin tưởng chất lượng nước nơi bạn sống thì hãy mua một bộ lọc nước gia đình.
9. Mua hàng theo tên thương hiệu
Cách làm sai: chi 8,5 đô-la để mua một lọ thuốc cảm 100 viên của hãng dược phẩm nổi tiếng.
Cách làm tốt hơn: Hạ thấp tầm mắt xuống bạn sẽ thấy ở mấy kệ hàng phía dưới có loại thuốc tương tự đóng trong chai 500 viên do hãng dược phẩm ít tên tuổi hơn sản xuất với mức giá chỉ là 11,99 đô-la, như vậy bạn đã tiết kiệm được đến 70%. Bỏ tiền mua hàng của các thương hiệu lớn có nghĩa là bạn đang góp tiền cho ngân sách dành cho quảng cáo của thương hiệu đó.
10. Phung phí các khoản tiết kiệm
Cách làm sai: Tiết kiệm mãi mới được 500 đô-la một năm, sau đó sáng nào cũng lãng phí 2 đô-la mua một tách cà phê.
Cách làm tốt hơn: Bất cứ khi nào bạn phát hiện ra mình tiêu một khoản ngoài ngân sách, hãy bỏ vào quỹ tiết kiệm của bạn một số tiền tương ứng. Nếu không, có khả năng bạn phung phí nó vào một việc nào đó và tiền của bạn sẽ nhanh chóng đội nón ra đi.
(Nguyen kim Lien dịch từ Moneytalksnew)