10 cách để giữ một mối quan hệ trọn vẹn

Để có được một mối quan hệ viên mãn, bạn phải đầu tư thời gian và năng lượng vào việc gìn giữ mối quan hệ cũng như phát triển bản thân. Những yếu tố này luôn đi kèm với nhau. Sự đầu tư của bạn vào mối quan hệ cũng như vào chính bạn là bí quyết để có được một mối quan hệ thỏa mãn và tuyệt vời. Bất kỳ mối quan hệ thành công nào đều bao gồm sự đầu tư của cả hai bên vào sự phát triển cá nhân và mối quan hệ đó.

Từng bước nhỏ sẽ tạo nên sự thay đổi lớn. Trước khi bạn có thể tạo được thay đổi lớn, bạn phải trải qua hàng nghìn bước nhỏ. Những bước này rất tích cực và mang đến sự hứng thú cho mối quan hệ. Sự hứng thú này thúc đẩy cả hai bạn nỗ lực cho một cuộc sống tốt đẹp hơn. Không chỉ đối với mối quan hệ của bạn, những thay đổi này cũng sẽ góp phần phát triển đời sống cá nhân của chính bản thân bạn. Sau đây là 10 bước đơn giản để bạn có thể bắt đầu duy trì một mối quan hệ trọn vẹn.

1.Không kỳ vọng

Đừng chỉ trông đợi anh ấy hoặc cô ấy làm bạn hạnh phúc.

Trông mong vào việc đối phương làm một hành động cụ thể để khiến bạn vui hẳn là một cách nghĩ ngớ ngẩn. Bạn sẽ cảm thấy thế nào nếu người yêu mình luôn muốn bạn gọi cho họ ngay sau khi bạn tan sở? Tôi dám chắc rằng bạn sẽ cảm thấy phần nào áp lực cũng như bị bó buộc. Không ai muốn cảm thấy mình bị ép buộc làm điều gì đó. Bạn sẽ cảm thấy muốn gọi cho người yêu hơn sau khi tan sở nếu bạn không cảm thấy đó là nghĩa vụ. Hãy đặt mình vào vị trí của đối phương. Nếu bạn luôn kỳ vọng vào việc người ấy làm mình vui, bạn sẽ hiếm khi cảm thấy thỏa mãn.

Một mối quan hệ là mối liên kết giữa hai cá nhân tự nguyện. Bạn không thể yêu cầu người yêu trở thành nguồn hạnh phúc vĩnh cửu của mình. Bạn phải chịu trách nhiệm cho hạnh phúc của bản thân, còn người yêu của bạn sẽ chỉ là một yếu tố trong đó. Mối quan hệ thành công tồn tại khi cả hai bên đều vun đắp cho hạnh phúc của đối phương, nhưng không kèm theo bất cứ sự kỳ vọng nào. Bạn sẽ là người tự quyết định xem mình hạnh phúc hay không. Đừng đặt trách nhiệm ấy lên vai người yêu của mình. Hãy nhớ rằng, người ấy chỉ có thể đóng góp vào sự hạnh phúc của bạn.

2. Tập trung giải quyết những điểm yếu

Nhìn lại mình trước thay vì bới móc lỗi lầm của đối phương.

Con người có xu hướng nhìn thấy khuyết điểm của người khác trước khi tự soi xét bản thân. Để bạn có được một mối quan hệ thành công, bạn phải hiểu được tầm quan trọng của việc tự sửa chữa khuyết điểm bản thân hơn là chỉ trích người yêu của mình. Chúng ta đều không hoàn hảo, và đó là một phần trong chính mỗi con người. Khi bạn và đối phương bất đồng quan điểm, hãy nhìn lại mình trước khi nhìn vào khuyết điểm của người kia. Nếu bạn quá tập trung vào khuyết điểm của họ, bạn sẽ trở nên xét nét và hay chỉ trích. Điều này chỉ làm cho nền tảng mối quan hệ của hai bạn yếu đi.

Lần sau bất đồng với người yêu, thay vì chỉ tay vào họ, bạn hãy tự chỉ tay vào mình và hỏi ‘Mình cần cải thiện điều gì?’ Đó có thể là khả năng lắng nghe cặn kẽ quan điểm của đối phương, hoặc việc không trở nên cứng đầu và bướng bỉnh. Cho dù đó là gì đi chăng nữa, thì hãy tìm kiếm phương án giải quyết bên trong con người bạn thay vì coi vấn đề nằm ở đối phương. Bạn sẽ phí công nếu cứ tập trung vào khuyết điểm của người đối diện. Hãy cam kết từ bây giờ rằng bạn sẽ tập trung vào sự phát triển của chính bản thân. Điều này không chỉ có lợi cho bạn, mà còn cho mối quan hệ của hai bạn nữa.

3. Bình tĩnh

Ngay lập tức ‘tấn công’ anh ấy hoặc cô ấy sau khi họ làm bạn buồn bực sẽ chỉ khiến tình huống tệ hơn. Hãy nghĩ đến cụm từ ‘sự bình yên trước một cơn bão lớn’. Đây là thời kỳ bình yên và yên lặng trước sự tấn công của rắc rối và phiền toái. Từ kinh nghiệm cá nhân, tôi biết rằng việc phản ứng ngay lập tức là rất dễ dàng. Ngược lại, sự bình tĩnh yêu cầu bạn phải kiên nhẫn và tỉnh táo để tránh khỏi phản ứng hấp tấp. Đây không phải là thói quen có thể sửa được trong thời gian ngắn, mà nó sẽ là sự thay đổi dài lâu của hành vi. Chính hành động của bạn sẽ khiến cơn bão tệ đi hoặc khiến gió thổi bớt mạnh. Đó là quyết định của bạn.

Hãy nhớ rằng, nếu bạn liên tục phản ứng tiêu cực với người ấy mỗi khi họ khiến bạn buồn bực, họ có thể có xu hướng giấu bạn những điều mà họ biết sẽ khiến bạn phản ứng như vậy. Bạn có muốn xây dựng một mối quan hệ dựa trên bí mật và những lời nói dối? Tôi chắc là không rồi. Vậy nên hãy tập cách hít thở sâu và tỉnh táo ngăn bản thân khỏi việc phản ứng tiêu cực. Thấu hiểu người yêu của mình và giao tiếp với họ một cách hiệu quả, thúc đẩy những cuộc trò chuyện tích cực. Cùng nhau phát triển một nền tảng vững chắc dựa trên niềm tin, sự kiên nhẫn và cam kết

4. Đặt ra các giới hạn

Hãy rõ ràng về các giới hạn được đặt ra và cùng quyết định hậu quả của hành động vượt quá giới hạn.

Chìa khóa cho một mối quan hệ thành công là đặt ra những giới hạn để tự bảo vệ bản thân cũng như để bảo vệ mối quan hệ. Nếu không có những giới hạn, làm thế nào để người kia biết được điểm dừng? Đặt ra những giới hạn sẽ tạo nên một nền tảng bền vững. Hãy nghĩ về một ngôi nhà đang được xây. Ngôi nhà nào cũng phải xây lên trên một cái móng. Không có móng, nhà sẽ không vững. Mối quan hệ của bạn cũng tương tự. Những giới hạn chính là nền móng để hai bên xây dựng được một mối quan hệ hoàn hảo.

Hai người phải tự quyết định những giới hạn được đặt ra. Trong đó, cân nhắc về những niềm tin và giá trị cá nhân của mỗi người. Bạn trân trọng điều gì? Bạn tin vào điều gì? Những câu trả lời sẽ giúp bạn tạo ra những giới hạn trong mối quan hệ. Nếu bạn coi trọng sự trung thực và giao tiếp cởi mở, hãy chắc rằng mối quan hệ của bạn có những yếu tố này. Một giới hạn tương đương có thể là ‘Nếu đối phương liên tục nói dối và không có khả năng giao tiếp cởi mở, thì kết cục tất yếu là chia tay.’ Để nhấn mạnh lại, bạn là người duy nhất quyết định những giới hạn mà bản thân bạn muốn đặt ra trong mối quan hệ. Hãy rõ ràng với nhau về những giới hạn này, đề xuất cụ thể lý do vì sao những giới hạn này lại quan trọng đối với bạn và hậu quả sẽ ra sao nếu vượt qua giới hạn.

5. Tự định hướng bản thân

Kể cả khi trong một mối quan hệ, hãy tiếp tục phát triển bản thân như một cá nhân độc lập.

Bạn đang lâng lâng trên chín tầng mây, vậy nên bạn hoàn toàn có khả năng quên đi những nhu cầu của cá nhân. Bạn đồng hành cùng người yêu và dẹp bản thân sang một bên. Điều gì sẽ xảy ra? Bạn dần đánh mất mình và sớm trở nên bế tắc, bởi người yêu bạn đang sống vì giấc mơ của bản thân họ nhưng bạn thì không. Bạn sẽ cần phải cân bằng giữa mối quan hệ và việc tự phát triển bản thân. Như tôi đã chia sẻ ở đầu bài viết, để có được một mối quan hệ thành công, bạn phải đầu tư vào mối quan hệ cũng như chính bản thân bạn.

Một mối quan hệ viên mãn là sự kết hợp giữa ước mơ của hai người. Hai bạn đề ra những gì mình muốn đạt được, và ủng hộ nhau trên con đường chinh phục những giấc mơ. Một mối quan hệ lành mạnh yêu cầu cả hai bên phải bày tỏ bản thân và những nhu cầu của họ. Hãy chắc rằng bạn phấn đấu vì mục tiêu của mình và đồng thời khích lệ người kia làm điều tương tự.

6. Hãy tò mò về người ấy

Dù có bất kì khó khăn nào, hãy luôn coi việc tò mò về người ấy là một tiền lệ không thể thiếu.

Đây là một tiền lệ tôi đã đặt ra trong cuộc hôn nhân của mình. Mỗi buổi tối, tôi và chồng ngồi trên ghế sofa và tranh luận về những câu hỏi thú vị. Những câu hỏi này cho phép cả hai bên hiểu nhau rõ hơn. Không bao giờ để áp lực của cuộc sống đè năng lên mối quan hệ bạn đang có. Hãy dẹp stress sang một bên và phát triển nền tảng của mối quan hệ.

Bạn có để ý vì sao trẻ con thường luôn tò mò về thế giới không? Đó là bởi chúng rất phấn khích trong việc chia sẻ những thứ mới mẻ chúng vừa học được. Sự tò mò và phấn khích của trẻ con sẽ truyền cảm hứng để bạn làm điều tương tự với người bạn đời của mình. Hãy luôn tò mò và khao khát được biết thêm về con người họ. Họ thích gì? Điều gì làm họ vui? Điều gì làm họ buồn? Những câu hỏi này sẽ là kim chỉ nam cho một tấm bản đồ tình yêu đầy màu sắc của người yêu bạn.

7. Bước ra khỏi đám đông

Thay vì cố gắng sống để vừa các chuẩn mực của xã hội, hãy tự mình quyết định kiểu mối quan hệ bạn muốn có.

Chúng ta sống trong một xã hội đa quan điểm. Những quan điểm bên ngoài này có thể ảnh hưởng tới cách ta xử lý những mối quan hệ cá nhân của mình, dù cho kiểu mẫu ấy có đến từ báo chí hay các show truyền hình thực tế. Thay vì để quan điểm xã hội ảnh hưởng tới mối quan hệ, hãy cùng với người ấy tự quyết định loại mối quan hệ mà các bạn cùng muốn nuôi dưỡng. Một mối quan hệ thành công tập trung vào nhu cầu của cả hai và nhu cầu chung của mối quan hệ ấy.

Hãy làm rõ với người kia bạn muốn một mối quan hệ như thế nào. Đừng chỉ sao chép lại những gì bạn thấy trên ti-vi hoặc báo chí. Bạn là mấu chốt để quyết định rằng mối quan hệ này được xây dựng trên nền tảng nào. Tập trung vào nhu cầu riêng của từng bên và quan điểm của bạn về một mối quan hệ hạnh phúc và lành mạnh.

8. Tạo ra những mục đích chung

Tìm ra một sở thích mà hai bạn có chung và dành thời gian nuôi dưỡng sở thích ấy.

Gần đây, tôi đã trải nghiệm được sức mạnh của việc có cùng chung một mục đích. Tôi và chồng tôi, John, đều rất say mê việc giúp đỡ người khác trong cuộc sống và hôn nhân của họ. Với niềm đam mê này, chúng tôi đã quyết định rằng nhiệm vụ của cả hai sẽ là giúp đỡ những cá nhân và những cặp đôi sống một cuộc sống trọn vẹn. Mục địch chung này giúp chúng tôi có được cảm giác gắn kết và đầy cảm hứng. Chúng tôi không chỉ giúp đỡ người khác mà còn đang vun đắp cho chính cuộc hôn nhân của bản thân.

Hãy tìm ra một mục đích chung của hai người. Đó có thể là trượt truyết, hoặc đi du lịch. Bất kể mục đích chung ấy là gì, hãy chắc chắn rằng bạn dành thời gian để phát triển nó. Một mối quan hệ thành công là sự cân bằng giữa ‘giấc mơ riêng’ và ‘ước mơ chung’. Hãy dành thời gian để nuôi dưỡng cả hai!

9. Luôn khát khao phát triển bản thân

Chúng ta, trong suốt cuộc đời này, đều cần phải liên tục học hỏi. Kể cả khi bạn đã 87 tuổi, bạn vẫn sẽ học một điều gì đó mới. Mỗi ngày nên là cơ hội để bạn lớn lên, phát triển thêm và hiểu thêm về những tri thức trong cuộc đời. Điều này bao gồm cả sự phát triển của bạn và của mối quan hệ. Đọc những cuốn sách phát triển bản thân và mối quan hệ để có được những góc nhìn mới mẻ. Tôi gợi ý rằng bạn nên có một cái thẻ thư viện, và dành nhiều thời gian để đọc, đọc và đọc. Có hàng trăm cuốn sách ở thư viện để bạn làm tăng tri thức của mình. Thêm vào đó, thay vì nghe radio trong ô tô, hãy mượn một vài chương trình radio từ thư viện và nghe chúng trong xe. Bạn có biết rằng một người Mỹ dành 38 giờ/năm chịu kẹt xe? Thay vì phát cáu vì hệ thống giao thông tồi tệ, hãy nghe một chương trình phát triển bản thân và mối quan hệ trong ô tô. Điều này không chỉ giảm mức độ stress mà còn giúp bạn học được nhiều điều mới.

Năng lượng của một mối quan hệ sẽ ảnh hưởng tới cả hai người. Hãy tạo thêm cảm hứng cho nguồn năng lượng này mỗi ngày. Luôn tìm kiếm cách phát triển bản thân bạn và mối quan hệ của bạn. Đừng ngừng học. Khi bạn ngừng học, bạn ngừng phát triển.

10. ‘Chọn bạn mà chơi’

Những người bạn chơi cùng sẽ ảnh hưởng tới bạn. Tôi nhớ có lần một người bạn của tôi luôn khoe mẽ về những món quà chồng cô ấy mua tặng. Hành động khoe khoang của cô ấy luôn làm tôi cảm thấy tồi tệ, giống như kiểu tôi phải cạnh tranh với cô ấy. Lối suy nghĩ tiệu cực này là không cần thiết và phải được loại bỏ. Điều này khiến tôi nghĩ đến tiêu chuẩn sống trong xã hội. Đừng bao giờ rơi vào cái bẫy phải bắt kịp những người thời thượng. Mối quan hệ của bạn sẽ lãnh đủ và bạn sẽ không bao giờ cảm thấy hạnh phúc. Cẩn thận với những người được gọi là bạn bè. Họ gián tiếp ảnh hưởng đến lối suy nghĩ và cách hành động của bạn. Hãy chọn cho mình những người có cùng chung suy nghĩ, quan điểm và hệ giá trị tương đương.

10 cách giữ gìn một mối quan hệ thành công này sẽ cần thời gian để phát triển, nhưng một khi nền tảng của bạn đã được xây dựng vững chắc, bạn sẽ nhìn lại và cảm thấy may mắn vì bản thân đã quyết định tạo ra những thay đổi nhỏ cần thiết để thay đổi mối quan hệ của bạn!

Sưu tầm